Nhà báo: Giáng sinh cho ta thấy, bên cạnh tất cả những suy tưởng và tình cảm lớn, cả những điều hoàn toàn mâu thuẫn, những điều dối trá trong thế giới – và cả những hoài nghi lẫn không tin của ta.
ĐGH: Người ta đã đem
quá nhiều tiếng nói của con tim, quá nhiều yếu tố giá trị lớn và quan trọng vào
trong biến cố giáng sinh, khiến thoạt nhìn vào, ta có thể thành tâm nói được,
là nếu lột hết những thứ đó đi, thì biến cố đích thực kia chẳng còn lại gì (làm
vậy là cướp đi nội dung cao cả của giáng sinh, biến nó một cách nào đó trở thành
trống rỗng). Nhưng cũng chẳng sao, biết đâu những điều thêm thắt quan trọng và
dễ hiểu kia, dù chúng vượt ra khỏi vòng Ki-tô giáo, có thể đưa người ta tìm lại
được đức tin. Bí ẩn của
đứa trẻ, của sự giản dị, của lòng khiêm nhu – đó là tất cả những gì toát ra từ
biến cố giáng sinh. Và ta cũng rất cần đưa vào những bài học mang tính
con người đó, để qua đó thấy được khía cạnh nhân tính của Thiên Chúa.
Phong tục tặng
quà thật ra bắt nguồn từ một suy nghĩ lớn. Đứa trẻ là quà tặng của Thiên Chúa
cho con người, vì vậy giáng sinh có thể là ngày để người ta trao quà cho nhau.
Nhưng nếu việc tặng quà trở thành những chiến dịch thương mại bó buộc, thì việc
trao tặng mất ý nghĩa. Và rồi, đúng như câu của Đức Ki-tô nói với các môn đệ :
Đừng làm như người ngoại đạo, họ mời người khác, vì họ cũng muốn được mời lại.
Nếu chỉ còn là một cuộc trao đổi hàng hoá thuần tuý, thì giáng sinh đã bị khống
chế bởi tư dục, nó trở thành một phương tiện cho tính ích kỉ vô đáy và cho lòng
hám của lẫn hám quyền – mà thật ra sứ điệp giáng sinh hoàn toàn trái ngược lại.
Đem giáng sinh trở về lại nội dung đơn giản của nó, đó có lẽ là một nhiệm vụ
lớn của chúng ta.
Nhà báo: Đức
Ki-tô không phải là người được soi sáng, nhưng chính Ngài là ánh sáng. Ngài
không chỉ là đường, mà còn muốn mình là đích tới nữa. Hồng Y có lần bảo, biến
cố ở Bê-lem «là bước đột phá quyết định của lịch sử thế giới đưa tới việc kết
hợp con người với Thiên Chúa ».
ĐGH: Thiên Chúa đã
thật sự làm người, đó là một biến cố vĩ đại. Ngài không phải chỉ mượn thân xác
con người để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó trong một thời điểm của lịch sử -
nhưng đã là người sống trong lịch sử, và cuối cùng đã giang hai tay trên thập
giá, để mở ra không gian cho chúng ta có thể bước vào.
Nếu giờ đây Con
Người - Thiên Chúa này, như Kinh Thánh nói, muốn đưa tất cả chúng ta vào trong
Ngài, muốn kéo chúng ta vào làm một thân xác duy nhất sống động, như hai người
nam và nữ trở thành một xương thịt như ta đọc thấy trong Kinh Thánh, thì ta sẽ
thấy đây không phải là một biến cố đơn lẻ, nó rồi sẽ biến đi như nó đã xuất
hiện. Không, đây là một đột phá, một khởi đầu, mà Đức Ki-tô qua Thánh Thể, qua
các bí tích và phép rửa muốn kéo ta vào trong đó. Trong ý nghĩa đó, ở đây thật
sự đã có một hoà tan giữa Thiên Chúa và con người, giữa Tạo hoá với tạo vật, đó
là một cái gì vượt trên mọi quy luật tiến hoá. Đây không còn là một bước tiến
của tiến hoá, phát sinh từ lực thiên nhiên, nhưng là một đột phá tung cửa, là
hành động yêu thương của một con người, mở ra từ giây phút đó một không gian
mới và một khả thể mới cho nhân quần.
( ĐGH Biển Đức XVI, Thiên Chúa và Trần Thế)
Chúc bình an,
Gửi tặng các bạn link google drive sách hạnh các thánh, các môn thần học, kinh thánh, triết học…
Thiên Chúa là tình yêu...
Trả lờiXóa